NHIỀU NỖ LỰC ĐỂ ĐÓN DÒNG DẦU ĐẦU TIÊN TỪ MỎ CÁ TẦM

26/01/2019 Dầu khí, Mỏ Cá Tầm, Bitexco Power, Năng lượng

Với việc tham gia 15% vào dự án khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12, Tập đoàn Bitexco trở thành doanh nghiệp kinh tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác thành công dầu khí.

Lễ đón mừng dòng dầu đầu tiên từ mỏ Cá Tầm Lô 09-3/12 thuộc Liên doanh
Vietsovpetro, PVEP, Bitexco đã được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu vào chiều 8/3/2019

Vào lúc 07h30 sáng ngày 25/01/2019, Giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09/3-12 ngoài khơi Việt Nam đã cho Dòng dầu đầu tiên (First Oil) với sản lượng ban đầu đạt 1.630 tấn/ngày/đêm. Đây là dự án do tổ hợp nhà thầu gồm: Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco làm Chủ đầu tư.

Sau khi đưa vào khai thác 03 giếng tie-back, Dự án sẽ tiến hành khoan liên tục 07 giếng khai thác trong năm 2019 với sản lượng khai thác trung bình dự kiến đạt 16 nghìn thùng dầu/ngày trong năm 2019 và sẽ đạt đỉnh khoảng 23 nghìn thùng/ngày vào năm 2020.

Lô 09-3/12 có tổng diện tích gần 6.000 km2, độ sâu nước biển từ 15 đến 60m, thuộc bồn trũng Cửu Long, là phần diện tích hoàn trả của Liên doanh VRJ từ năm 2009, nằm cách TP Vũng Tàu 160km về hướng Đông Nam, rất gần các mỏ dầu Rồng, Gấu Trắng, Bạch Hổ mà Vietsovpetro đang khai thác (khoảng 15 – 20 km). Giàn CTC1-WHP được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại Lô 09-1 nhằm tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên biển của Vietsovpetro, mang lại nhiều lợi nhuận cho tổ hợp nhà thầu.

Giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm

Theo kết quả tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ có hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, góp vào ngân sách hơn 1 tỷ USD. Mỏ này cũng dự kiến đem lại lợi nhuận cho Vietsovpetro 238 triệu USD, PVEP 130 triệu USD và BITEXCO 65 triệu USD. Việc dự án mỏ Cá Tầm được chính thức đưa vào khai thác theo đúng kế hoạch, sau 18 tháng tính từ thời điểm Kế hoạch phát triển mỏ được phê duyệt (T7/2017), thể hiện quyết tâm rất lớn của Tổ hợp Nhà thầu Vietsovpetro – PVEP – Bitexco trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và đối mặt với nhiều khó khăn bất cập, nhất là về cơ chế tài chính sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng suy giảm giá dầu. Dự án đã được triển khai hết sức khẩn trương, đảm bảo chất lượng, chi phí được kiểm soát chặt chẽ trên từng hạng mục công việc. 

Thành công của dự án mỏ Cá Tầm là một dấu mốc quan trọng, trở thành sức bật đối với công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, dự án còn có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên, một tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam – Bitexco tham gia vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tới tư cách nhà đầu tư.

Nỗ lực hợp tác của các bên cũng đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Thành công của dự án mỏ Cá Tầm với sự tham gia của Bitexco có thể tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại Việt Nam với sự tham gia của đầy đủ các thành phần kinh tế.

Thành công của dự án phát triển mỏ Cá Tầm cũng khẳng định việc đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực bể Cửu Long, sẵn có cơ sở hạ tầng: hệ thống xử lý, xuất dầu thô và thu gom khí đồng hành đồng bộ, nhằm đảm bảo duy trì và sớm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí để đáp ứng được nhu cầu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, việc tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại các khu vực này cũng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền cũng như các lợi ích kinh tế trên thềm lục địa và lãnh hải Việt Nam.

Định hướng trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam vươn tầm quốc tế, Bitexco trong chặng đường 33 năm nỗ lực xây dựng và phát triển đang ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Sự kiện này đánh dấu hướng phát triển đầy tầm nhìn chiến lược của Bitexco: đầu tư và quản lý. Trong những năm tới, chắc chắn trong nhiều lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghệ cao… mang xu hướng thời đại và mũi nhọn kinh tế sẽ tiếp tục được Bitexco chú trọng đầu tư phát triển trên những nền tảng giá trị cốt lõi: văn hóa và nhân văn.